Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, Đảng bộ Hà Nội đã thành lập mới 886 tổ chức Đảng (TCĐ) trong doanh nghiệp thuộc các loại hình này. Tuy nhiên, so với số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoạt động tại địa bàn, đó vẫn là con số khiêm tốn.
Thay đổi nhận thức
Tại Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy, ý kiến tham luận của ông Ha-gi-oa-ra Ka-du-hi-ko, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Terumo Việt Nam, được nhiều người quan tâm. Bởi khi chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài có nhận thức đúng về vai trò của TCĐ, đoàn thể trong doanh nghiệp, thì đó là điều kiện thuận lợi góp phần khích lệ TCĐ, đoàn thể hoạt động hiệu quả. Ông Ka-du-hi-ko chia sẻ, Terumo là công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, được thành lập năm 2006. Đến 2009, Ban lãnh đạo đồng ý thành lập tổ chức công đoàn trong công ty. Hiệu quả từ các cuộc phối hợp đối thoại, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định đã giúp lãnh đạo công ty nhận thấy rõ vai trò của tổ chức này trong doanh nghiệp, từ đó hình thành TCĐ trong DN. Đến nay, Chi bộ đảng công ty đã có bốn đảng viên được kết nạp tại chỗ. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo doanh nghiệp, các đảng viên đều là những người có trình độ, uy tín, thành tích lao động tốt. Đó cũng là nhân tố góp phần tạo mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Thực tế cho thấy, ở đâu công tác tuyên truyền tốt, nơi đó, hiệu quả thể hiện bằng số lượng tổ chức chính trị được thành lập trong doanh nghiệp và chất lượng hoạt động cũng nâng lên. Nhiều hình thức tuyên truyền đã phát huy hiệu quả trên nguyên tắc sâu sát, kiên trì, bền bỉ thông qua phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tọa đàm, giao lưu, đối thoại trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tài liệu Thông tin chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 09 được dịch ra tiếng nước ngoài để tuyên truyền tới chủ doanh nghiệp là người nước ngoài. Đây là cách làm sáng tạo góp phần làm chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu đúng, đầy đủ về mục đích và sự cần thiết của việc có các TCĐ, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Từ đó, chủ doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện thành lập TCĐ, các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Kiện toàn, sắp xếp mô hình phù hợp
Từ những bất cập trong hoạt động của một số TCĐ trong doanh nghiệp đặt ra yêu cầu kiện toàn sắp xếp lại mô hình TCĐ của các đơn vị thuộc thành phố. Trong đó, Ban Chỉ đạo thành phố đề xuất thành lập Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, trên cơ sở chuyển Đảng bộ cơ quan Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội, về trực thuộc Thành ủy. Sau bốn năm hoạt động, Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã được nâng cấp thành Đảng bộ cấp trên cơ sở. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy đã hợp nhất hai Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và Du lịch Hà Nội để tổ chức lại thành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội, đồng thời chuyển một số TCĐ về Đảng bộ khối một số quận, huyện; đã có 15 đơn vị thành lập được Đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc quận ủy, huyện ủy, thị ủy.
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, các Đảng bộ Khối doanh nghiệp cấp quận, huyện đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; quản lý và chỉ đạo các TCĐ trong các doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo quận, huyện ủy và giữa các doanh nghiệp trong Khối. Thông qua hoạt động của Đảng ủy Khối, nhiều doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết với nhau, phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương. Nhiều cấp ủy đã có cách làm sáng tạo trong việc thành lập TCĐ trong các doanh nghiệp, như cử đảng viên có trình độ, năng lực, am hiểu tình hình doanh nghiệp đang sinh hoạt tại các phòng, ban, chuyên môn của đơn vị xuống sinh hoạt Đảng cùng các đảng viên của doanh nghiệp, để đủ điều kiện thành lập TCĐ theo quy định, làm nòng cốt để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Theo đó, đã có hơn 110 chi bộ được thành lập theo hình thức trên, đến nay hầu hết các chi bộ này hoạt động ổn định và phát triển được đảng viên.
Tập trung cho chất lượng
Để tạo niềm tin đối với chủ doanh nghiệp và người lao động không có cách nào hơn là nâng cao chất lượng hoạt động của TCĐ, đoàn thể và đội ngũ cấp ủy, đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp. Từ nhận thức đó, các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng và lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, bản lĩnh, uy tín, am hiểu công tác Đảng tham gia cấp ủy các cấp. Nhiều đơn vị lựa chọn bố trí bí thư cấp ủy là lãnh đạo doanh nghiệp. Mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; nhiều TCĐ đã xây dựng quy chế phối hợp, chủ động thực hiện việc trao đổi với chủ doanh nghiệp. Ở những TCĐ yếu kém hoặc mới thành lập, cấp ủy cấp trên cử cán bộ xuống dự sinh hoạt chi bộ doanh nghiệp, trực tiếp gỡ khó…
Với nỗ lực chung, qua năm năm, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã thành lập mới được 886 TCĐ trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nâng số các TCĐ trong các doanh nghiệp này lên 1.637; kết nạp 5.964 đảng viên mới (trong đó có 24 chủ doanh nghiệp tư nhân), với tổng số đảng viên hiện có trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của thành phố là 26.455 người. Mục tiêu đến năm 2020, thành lập mới từ 600 đến 650 TCĐ; 1.700 đến 1.800 tổ chức công đoàn; 900 đến 1.000 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; 50 đến 60 tổ chức hội phụ nữ, sẽ không phải quá khó. Tuy nhiên, cần có những bước đi “đón đầu” khi xu thế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Các thành phần kinh tế tham gia thị trường ngày càng đông, cho nên các cấp ủy cần nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời đối với các đảng bộ tổng công ty đang thực hiện cổ phần hóa; tăng cường công tác tư tưởng để cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức rõ sự cần thiết về chủ trương và lợi ích của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; động viên cán bộ, đảng viên, người lao động mua cổ phiếu ưu đãi và yên tâm lao động, công tác. Các đảng ủy tổng công ty vốn nhà nước dưới 50% hoặc không còn vốn nhà nước cần điều chỉnh nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp với mô hình mới trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp.